TẾT KỶ HỢI (4) – NGHI THỨC ĐÊM GIAO THỪA P1

Các bạn thân mến, mỗi năm tôi đều có bài viết hướng dẫn về lúc cúng giao thừa. Vì vậy năm nay, cũng như thường lệ tôi cũng có một số bài viết dành cho mọi người về việc nghi thức đêm giao thừa.

Ba bài viết đầu tiên của Tết Kỷ Hợi đa phần thiên hướng về việc dọn tâm của các bạn, chuẩn bị cho nó tốt lành và thanh tịnh. Những bài tiếp theo sau đây là các hoạt động trực tiếp cho năm nay. Vì các bạn thân hữu gần xa cũng có yêu cầu, mong là có một bài viết sớm hơn để mọi người còn kịp thời chuẩn bị cho các nghi thức đó.

Đồng thời do lượng thông tin cũng nhiều vậy nên bài viết về nghi thức này sẽ được chia làm vài phần. Phần 1 của ngày hôm nay là đồ cúng và các màu cát tường, tốt lành của năm mới. Những phần sau là sẽ là những nghi thức và cách thức xuất hành, tuổi tốt để xông đất và các phương pháp bổ trợ cho việc đón năm mới của chúng ta thêm kiện toàn.

1. NHẬN ĐỊNH CHUNG:

Thật ra mà nói, năm nay có một đêm giao thừa tính theo các môn cổ học thì không thật sự là quá rạng rỡ. Vì vậy các pháp chuẩn bị sẽ phải có thiên hướng về việc làm cho rạng rỡ tốt lành và hòa hợp hơn.

2. NGHI THỨC ĐÊM GIAO THỪA:

- Trong mâm cúng lúc giao thời năm nay ngoài những thứ như thông thường thì nên có 1 bình rượu trắng nhỏ hoặc một bình nước trái cây lên men (nếu chúng ta không muốn cúng rượu).

- Trong mâm cúng thì nên có loại trái cây mọng nước và có càng nhiều hột càng tốt. Vậy nên những thứ như là trái lựu, dưa hấu, trái na, mãng cầu, thanh long…là những lựa chọn phù hợp (cám ơn các chị em nội trợ đã gợi ý cho những trái này).

- Trái cây nên là loại được ướp lạnh.

- Ngoài ra chúng ta nên chuẩn bị thêm 1 cái chuông hoặc một món trang sức mà ta yêu thích (loại nào cũng được). Nếu không tiện để đồ quý giá lên mâm cúng thì có thể mang trên người khi cúng.

- Chuẩn bị một cái hũ bằng gốm sứ hoặc một cái chén/tô sạch cũng được. Đổ vào trong đó nước muối sạch. Nếu được 2 hũ hoặc 2 cái chén/tô sạch thì càng tốt.

- Trước 11g đêm của ngày hôm đó chúng ta nên mang cái hũ gốm sứ có nước muối sạch đó (dĩ nhiên là không đậy nắp) để ở cửa nhà của mình.

- Khi đến giao thừa. Lúc đọc tụng văn khấn xong thì quay mặt về phía Tây thành tâm đánh chậm rãi lên 9 tiếng chuông. Trong lúc đánh chuông thì để tâm an tĩnh, tưởng rằng những sự tốt lành đang lan tỏa đến ta và tất cả mọi người xung quanh.

- Sau đó thì lấy hũ gốm sứ có nước muối để ở cửa từ trước vào trong nhà, lại dùng 1 cái dĩa hoặc một vật làm nắp đậy cũng nên bằng gốm sứ đậy lại. Để đến sáng mai thì đổ nước muối đó đi.

- Năm nay nên nhờ người nam lớn tuổi nhất trong nhà cắt trái cây cúng ra. Nếu họ không tiện làm thì nhờ cắt 1 nhát dao tách đôi trái cây ta cúng lấy hên được rồi.

- Sau đó cho cậu con trai nhỏ tuổi nhất trong nhà ăn, rồi đến người nữ lớn tuổi nhất trong nhà dùng. Rồi cả nhà cùng nhau uống 1 ngụm nước trái cây đã cúng. Nhà không có những nhân vật như trên thì gia chủ tự cắt trái cây, tự ăn và uống.

Đến đây là kết thúc nghi thức cúng giao thừa.

3. MÀU SẮC CHO CÚNG VÀ XUẤT HÀNH

Đối với những khách hàng của DDH đã có màu sắc riêng dành cho năm Kỷ Hợi thì có thể sử dụng màu sắc đó. Chưa có màu riêng của mình hoặc muốn hòa cùng với thiên vận năm Kỷ Hợi thì xin sử dụng những màu sắc sau:

Màu sắc phù hợp: tốt nhất là XANH DƯƠNG ĐẬM, XANH DA TRỜI, XANH BIỂN. Kế đến là TRẮNG, VÀNG CREAM (trắng ngà), …

Màu sắc kị: NÂU, XANH LÁ

4. Về hướng xuất hành, tuổi xông đất, cách chuẩn bị cho xuất hành lấy lộc, văn cúng trong khi giao thừa xin hẹn các bạn ở bài viết tiếp theo vào ngày mai 28 Tết.

Vài điều chia sẻ,
~ Tử Minh

www.dudoanhoc.com

#tuminh #trantuminh #amduongthuat #dudoanhoc #khiconghanhphuc#tetkyhoi #chuanbidontet #nghithucgiaothua